1. BIM là gì?
BIM là cụm từ viết tắt của Building Information Modeling, dịch sang tiếng Việt được hiểu là Mô hình thông tin công trình.
Xét về mặt tổng quan BIM là một quá trình dài, kéo dài kể từ khi tạo lập mô hình cho tới việc sử dụng mô hình thông tin công trình vào xây dựng, vào quản lý vận hành, rồi tới khi cải tạo sửa chữa, … cho tới cuối vòng đời dự án, sử dụng mô hình để phân tích phá dỡ công trình đó sao cho tối ưu nhất. Việc xây dựng cũng như khai thác, cập nhật, … mô hình trong suốt vòng đời của một dự án như vậy được gọi là quá trình áp dụng BIM vào một công trình.

2. Lợi ích của BIM với chủ đầu tư
Để triển khai BIM thì người dung cần sử dụng các BIM Tools, mà các BIM Tools đều xây dựng mô hình dưới dạng 3D cho phép người dung có cái nhìn trực quan về công trình, hỗ trợ rất tốt trong quá trình lựa chọn phương án đầu tư, kế hoạch vốn phù hợp. Từ đó giúp chủ đầu tư dễ dàng trong việc xem xét và ra quyết định đầu tư.

3. Lợi ích của BIM với đơn vị tư vấn
- Với việc công trình được mô phỏng qua hình ảnh mô hình 3 chiều trực quan sẽ tạo thuận lợi cho việc thuyết trình, đánh giá, lựa chọn giải pháp thiết kế có hiệu quả;
- Việc áp dụng BIM góp phần tăng năng suất, chất lượng thiết kế, thuận lợi trong việc điều chỉnh thiết kế và hạn chế được sai sót trong quá trình thực hiện: Do có sự phối hợp đồng thời của các bộ môn thiết kế, các thông tin thiết kế được hiển thị trực quan nên việc dùng BIM sẽ tăng chất lượng thiết kế, giảm đáng kể mâu thuẫn giữa thiết kế tại văn phòng và triển khai thi công ngoài hiện trường. Các thiết kế thực hiện thông qua BIM khi có điều chỉnh ở bộ phận thiết kế này, thì thông tin thay đổi sẽ hiển thị trên đối tượng đó ở bộ phận thiết kế khác, qua đó việc điều chỉnh thiết kế được thực hiện nhanh chóng;

- Công tác đo bóc khối lượng và lập dự toán chi phí của công trình được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác: việc sử dụng mô hình thông tin công trình ở định dạng 3D, kèm theo đó là tích hợp phần mềm đo bóc khối lượng nên việc đo bóc khối lượng công trình được thực hiện một cách tự động. Với cơ sở dữ liệu về giá phù hợp, việc xác định chi phí xây dựng công trình sẽ được rút ngắn đáng kể. Tiện ích này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn thiết kế của dự án, khi các thiết kế thường xuyên thay đổi, chủ đầu tư rất cần các thông tin một cách nhanh chóng để kịp thời đưa ra quyết định lựa chọn phương án;
- Thuận lợi trong việc phân tích mức độ sử dụng năng lượng của các phương án thiết kế, qua các công cụ hỗ trợ, góp phần hướng thiết kế bền vững với môi trường. Việc các thông tin tích hợp trong BIM, cho phép các nhà thiết kế tính toán được nhu cầu sử dụng năng lượng của phương án thiết kế thông qua các công cụ có thể tích hợp như eQUEST và tích hợp các tiêu chuẩn thiết kế xanh như LEED hay LOTUS để đánh giá tính bền vững của công trình. Từ đó có thể thay đổi phương án thiết kế nếu cần thiết, tiết kiệm thời gian và chi phí cho dự án;
- Việc ứng dụng quy trình BIM trong các doanh nghiệp tư vấn thiết kế nước ta hiện nay cũng sẽ từng bước tạo tác phong làm việc theo nhóm, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập với thế giới.
- Việc sử dụng dữ liệu, lưu trữ và trao đổi dựa trên công nghệ điện toán đám mây giúp các nhóm làm việc khác nhau về địa điểm phối hợp với nhau để thiết kế, chuyển giao sản phẩm và lưu trữ thuận tiện hơn.
- Giúp giảm chi phí lắp đặt: Trước khi quá trình lắp đặt tiến hành, BIM sẽ giúp xác định những chi tiết không thích hợp, ví dụ như các phần của bản thiết kế chiếm vị trí trùng nhau. Từ đó kiến trúc sư, nhà thiết kế có thể lên phương án điều chỉnh sớm hơn, tiết kiệm chi phí liên quan đến lắp ráp và lắp đặt.
- Quản lý & trích xuất thông tin hồ sơ dễ dàng hơn. Lưu trữ hồ sơ trên dữ liệu đám mây giúp sẽ quá trình trích xuất dữ liệu để xử lý dễ dàng hơn tại mọi lúc mọi nơi. Mặt khác nhờ vào công nghệ việc kiểm soát nghiêm ngặt hồ sơ được duyệt chưa được duyệt, lần cập nhật sửa đổi, cải tạo,… cũng được lưu lại và không thể sửa đổi thông qua các version cập nhật hồ sơ theo ngày tháng cụ thể. Việc gian lận vì thế cũng được kiểm soát chặt chẽ, hồ sơ vì thế cũng tránh thất lạc hư hỏng theo thời gian. Đóng góp giảm ô nhiễm môi trường và không gây lãng phí không gian lưu trữ như cách làm truyền thống.
4. Lợi ích của BIM với nhà thầu thi công
- Sử dụng mô hình BIM giúp các nhà thầu xây lắp thấy rõ được dự án sau khi xây dựng xong sẽ trông như thế nào, điều này làm hạn chế xung đột, hạn chế các thiết kế không hợp lý hoặc đơn giản hiểu được ngay ý tưởng mà thiết kế đưa ra. Tiết kiệm chi phí và thời gian xử lý các vấn đề xung độ, các nhà thầu thi công có thể ngồi lại bàn bạc với nhau về các vấn đề liên quan đến công trình trước khi bắt đầu bắt tay vào thi công.

- Mô hình thông tin công trình rất có lợi nếu sử dụng công nghệ đúc sẵn và thi công lắp ghép. Giải pháp này giúp các nhà thầu thi công nhanh chóng, tiện lợi, thực tế các nhà thầu nước ngoài đã và đang triển khai rất tốt theo hình thức này.
5. Lợi ích của BIM với đơn vị quản lý vận hành
- Mô hình thông tin công trình là một nguồn thông tin chính xác và rất quan trọng cho việc quản lý và vận hành công trình. Các thiết bị mô phỏng trên mô hình BIM, các thiết bị thực tế và hệ thống quản lý có thể được kết nốt đồng bộ thông tin với nhau, cho phép các nhà quản lý dùng như một nền tảng hỗ trợ cho việc giám sát, kiểm tra thiết bị từ xa và rất nhiều các khả năng khác nữa vẫn chưa được phát triển hoàn thiện.
6. Lợi ích của BIM với quy hoạch đô thị
- Lợi ích của BIM với quy hoạch đô thị
- Thông qua mô hình thông tin công trình, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình, đấu nối hạ tầng kĩ thuật… phục vụ quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng… Nếu được xây dựng đồng bộ quy trình xét duyệt thông qua cổng điện tử một cửa có thể giúp nâng cao chất lượng xét duyệt, cải tiến thủ tục hành chính hướng đến tăng năng suất và hiệu quả cho tất cả các bên.
- Việc ứng dụng BIM trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình giúp giảm được thời gian nghiên cứu và phê duyệt hồ sơ cấp phép cũng như phục vụ rất có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công trình xây dựng do các thông tin của công trình được thể hiện logic, đầy đủ và trực quan.